Album ảnh

Tốn hàng chục triệu đồng mua vàng mã cầu siêu!

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, hiện nay nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng vào những đồ hàng mã để đốt cho người ở thế giới bên kia. Nhưng có cần thiết phải “đốt” hàng chục triệu đồng để thể hiện lòng biết ơn với những người đã khuất?

Ở Việt Nam, cứ đến ngày rằm tháng bảy người dân lại tổ chức ngày lễ Vu Lan với tâm nguyện nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành của ông bà, tổ tiên. Vì thế, việc đốt nhiều vàng mã trong Lễ vu lan và Xá tội vong nhân đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt.

Thường dân cũng tốn tiền cả triệu đồng…

Vòng quanh phố Hàng Mã mới thấy không chỉ những nhà giàu có mà những gia đình khó khăn trong ngày lễ Vu Lan cũng cố gắng sắm lễ cho đầy đủ và tươm tất. Tuy nhiên, không đơn giản là đồ vàng mã truyền thống như quần áo, giầy dép… mà còn có: xe tay ga, ô tô, biệt thự, các mặt hàng công nghệ cao như Iphone 4S, Samsung Galaxy… hoặc tất cả những phụ kiện đi kèm gắn liền với đời sống hàng ngày.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên rất nhiều gia đình nghĩ rằng sắm đủ đồ để ông bà, tổ tiên sử dụng thì sẽ được phù hộ, gặp may mắn trong cuộc sống. Chính vì vậy mà không ít gia đình “mạnh tay” chi cho việc mua sắm vàng mặc dù cuộc sống hiện tại của gia đình không được dư giả.

1 - Upanh.com

Tết Vu Lan mua vàng mã báo hiếu?! (Nguồn: Internet)

Cô Thành (Trần Xuân Soạn) tâm sự: “Hồi trước lúc cha mẹ còn sống, vẫn chưa báo hiếu được nhiều, nhà lúc đấy còn nghèo lắm, làm gì có của ăn của để như bây giờ. Ngày Vu Lan thì mỗi năm mới có một lần chứ đâu có nhiều nhặn gì. Trên này mình có gì thì đốt cho ông bà dưới đó như thế. Nhà nào cũng đốt, mình mà không đốt, ông bà dưới đó thiếu thốn lại báo mộng về ngay thôi”.

Cô Thu – chủ cửa hàng xén cho biết: “Nhà cũng chẳng khá giả gì, nhưng được cái hàng năm, vào ngày rằm tháng 7 đều có chút lòng thành gửi cha mẹ nơi chín suối, mong ông bà phù hộ độ trì ăn nên làm ra, sức khỏe dồi dào”.

Nhưng có thật sự cần thiết?

Theo Bộ Văn Hoá Thông Tin, khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Những con số trên cho thấy một sự hoang phí đối với hành động này.(số liệu lấy ở đâu? Không trích dẫn rõ ràng về thời gian đưa ra số liệu)

50.000 tấn hàng mã được tiêu thụ trong mỗi năm (Nguồn: Internet)

Việc đốt vàng mã dường như đã trở thành một tập tục trong tâm thức của mỗi người dân. Đặc biệt, vào dịp lễ Vu Lan hàng năm mặc dù được coi là một nét văn hóa tâm linh nhưng cũng cần phải có cách nhìn nhận đúng hơn, để hạn chế sự lãng phí không cần thiết. Hiện nay, khi khá nhiều mảnh đời cơ cực, thậm chí phải mưu sinh rất vất vả để kiếm sống, có hàng ngàn bệnh nhân không có đủ tiền mua thuốc để chữa trị. Nếu có thể mang số tiền đó đi cứu giúp những người hàng ngày đang chống chọi để giành giật sự sống. Đó chẳng phải là việc làm thiết thực để tích đức cho bản thân và con cháu hay sao?

Nhóm  tác giả

Hà Anh, Hà Trang, Nguyễn Thúy, Nguyễn Phương

Bài gốc:

Tốn hàng chục triệu đồng mua vàng mã cầu siêu!

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, ngày nay nhiều gia đình sẵn sàng chi cả chục triệu đồng vào những món đồ hàng mã để đốt cho người âm ở thế giới bên kia. Nhưng có nhất thiết phải đốt hàng chục triệu đồng để thể hiện sự báo ơn với những người đã khuất?

Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, cứ đến ngày rằm tháng bảy trên khắp cả nước tổ chức ngày lễ Vu Lan với tâm nguyện nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành của ông bà, tổ tiên. Việc đốt nhiều vàng mã trong Lễ vu lan và Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục truyền đời của người dân Việt Nam.

Thường dân cũng tốn tiền cả triệu đồng…

Vòng quanh một vòng phố Hàng Mã mới thấy ngày nay không chỉ những nhà giàu có mà ngay cả những gia đình khó khăn trong ngày lễ này cũng cố gắng sắm lễ cho đầy đủ và tươm tất. Tuy nhiên, không đơn giản là đồ vàng mã truyền thống như quần áo, giầy dép cho người âm mà ngày nay người trần sử dụng gì, người âm cũng sẽ được đốt những thứ đó. Ví dụ như xe tay ga, ô tô, biệt thự, các mặt hàng công nghệ cao như Iphone 4S, Samsung Galaxy… hoặc tất cả những phụ kiện đi kèm gắn liền với đời sống hàng ngày.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên rất nhiều gia đình nghĩ rằng sắm đủ đồ để ông bà, tổ tiên sử dụng thì sẽ được phù hộ, gặp may mắn trong cuộc sống. Chính vì những suy nghĩ đó, mà không ít gia đình sẵn sàng chi mạnh tay cho việc mua sắm vàng mã trong những ngày này dù cuộc sống hiện tại của gia đình không gọi là dư giả.

1 - Upanh.com

Tết Vu Lan mua vàng mã báo hiếu?! (Nguồn: Internet)

Cô Thành (Trần Xuân Soạn) tâm sự: “Hồi trước lúc cha mẹ còn sống, vẫn chưa báo hiếu được nhiều, nhà lúc đấy còn nghèo lắm, làm gì có của ăn của để như bây giờ. Ngày Vu Lan thì mỗi năm mới có một lần chứ đâu có nhiều nhặn gì. Trên này mình có gì thì đốt cho ông bà dưới đó như thế. Nhà nào cũng đốt, mình mà không đốt, ông bà dưới đó thiếu thốn lại báo mộng về ngay thôi”.

Cô Thu – chủ cửa hàng xén tâm sự: “Nhà cũng chẳng khá giả gì, nhưng được cái hàng năm, vào ngày rằm tháng 7 đều có chút lòng thành gửi cha mẹ nơi chín suối, mong ông bà phù hộ độ trì ăn nên làm ra, sức khỏe dồi dào”.

nhưng có thật sự cần thiết?

Theo Bộ Văn Hoá Thông Tin cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Những con số trên đã cho thấy một sự hoang phí đối với hành động này.

50.000 tấn hàng mã được tiêu thụ trong mỗi năm (Nguồn: Internet)

Người Việt Nam phần lớn là theo đạo Phật, giáo lý Phật giáo không có quy định đốt vàng mã và hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Họ cho rằng “Âm – dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể cảm ứng được”. Phật giáo chỉ khuyên con cái của người đã khuất nên tu thân tích đức, giúp người nghèo khổ, ăn chay niệm Phật và phóng sinh rồi hồi hướng công đức ấy cho vong linh để siêu độ vong linh…

Việc đốt vàng mã dường như đã trở thành một thói quen cố hữu trong suy nghĩ của mỗi người Việt. Đặc biệt, vào dịp lễ Vu Lan hàng năm tuy được coi là một nét văn hóa tâm linh nhưng cũng cần phải có cách nhìn nhận đúng hơn, để hạn chế sự lãng phí không cần thiết. Hiện nay, khi khá nhiều mảnh đời cơ cực, thậm chí phải mưu sinh rất vất vả để kiếm sống, có hàng ngàn bệnh nhân không có đủ tiền mua thuốc để chữa trị. Nếu có thể, hãy mang đi cứu giúp những người hàng ngày đang chống chọi để giành giật sự sống. Đó chẳng phải là việc làm thiết thực để tích đức cho bản thân và con cháu hay sao?

Nhóm  tác giả

Hà Anh, Hà Trang, Nguyễn Thúy, Nguyễn Phương

By Lớp Báo mạng điện tử K.30 Posted in Kinh tế

34 comments on “Tốn hàng chục triệu đồng mua vàng mã cầu siêu!

  1. Do lối suy nghĩ thực dụng
    Việc tốn đến tiền triệu để mua vàng mã để tỏ lòng hiếu thảo với những người đã khuất hoàn toàn là việc làm vô ích.
    Bài viết đã đề cập đến một vấn đề không mới nhưng đã tồn tại một thời gian dài. Và mỗi khi có dịp lễ tết như dịp lễ Vu Lan trong thơi gian gần đây, vấn đề này lại được hâm nóng lên.
    Đốt vàng mã cho người đã khuất trong các dịp lễ tết là một nét tâm linh đã ăn sâu vào tâm thức, tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Việc thờ cúng tổ tiên là một nét tín ngưỡng văn hóa đẹp của cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, con người hiện nay dường như đang áp đặt lối sống thực dụng của mình vào thế giới của những người đã khuất. Họ đốt vàng mã không chỉ vì truyền thống, vì lòng kính trọng những người đã khuất; mà mục đích thực sự của họ là đốt vàng mã để cầu mong nhận được sự phù hộ độ trì, làm ăn may mắn, phát đạt… Và cũng chính từ lối tư duy này, nhiều người nghĩ rằng: càng đốt nhiều vàng mã thì càng được phù hộ nhiều.
    Thiết nghĩ, những triệu đồng tiền mua sắm vàng mã đó đầu tư cho các hội từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… để xây dựng một xã hội đẹp hơn sẽ là những việc làm có ý nghĩa hơn nhiều.

  2. ĐỐT VÀNG MÃ NGƯỜI ÂM CÓ NHẬN ĐƯỢC KHÔNG?

    Khi đời sống con người đạ đến mức độ ổn định nào đó họ sẽ nghĩ đến việc “người nhà” mình nơi suối vàng có được hưởng hay không. Các cụ ta có câu “âm dương đồng nhất” nên thế hệ ngày nay đã vận dụng triệt để cách nghĩ đó bằng việc đốt hàng chục triệu vào hàng mã.

    Người dân Việt Nam từ xưa đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, đó là nét đẹp văn hóa của dân Việt. Việc đốt vàng mã nếu dừng ở mức độ thể hiện lòng thành thì rất đẹp nhưng nó đã bị lạm dụng một cách triệt để của các tiểu thương đánh vào tâm lý mê tín của một bộ phận gia đình hiện nay. Cứ đến dịp lễ tết là mọi người đổ dồn đi mua đồ cúng lễ, các vật dụng hàng ngày trong sinh hoạt như oto, TV, điện thoại…đều được sản xuất để phục vụ nhu cầu “đốt” của người dân trong dịp vu lan hàng năm. Việc biện hộ là để báo hiếu ông bà được con người sử dụng cho hành vi lãng phí của mình, ông bà liệu có nhận được hay không vẫn chưa có câu trả lời những đã làm thỏa mãn tấm lòng của những người con có hiếu.

    Càng những gia đình khá giả thì việc đốt mấy triệu đồng để tổ tiên được sống sung sướng càng làm họ chi mạnh tay ở việc đốt mã. Nếu như đốt để các cụ nhận được sau đó phù hộ cho gia chủ thì tội gì mà không đốt, điều đó cũng chỉ tiêu tốn vài triệu đồng với gia đình khá giả và vài trăm với gia đình bình thường hơn. Tâm lý đó có sức ảnh hưởng dây chuyền trong xã hội hiện nay, khi con người đặt hẳn niềm tin vào thế giới tâm linh.

    Nên đốt vàng mã ở mức độ cho phép đủ để thể hiện lòng thành của mình mà không làm ảnh hưởng đến xã hội. Việc cấm đốt vàng mã có lẽ sẽ không thực hiện được với tâm lý của người Việt ta vì nó đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người. Từ khi sinh ra chúng ra đa được gia đình nhắc nhỏ đốt vàng mã cho ông bà nơi suối vàng thì lớn lên chúng ta cũng sẽ như vậy. Vì vậy việc hạn chế đốt một cách lãng phí là cần thiết, nếu như cứ cấm thì người dẫn vẫn cứ đốt.

  3. THAY VÌ ĐỐT TIỀN…
    Đốt nhiều vàng mã trong Lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập tục này đã gây rất nhiều lãng phí công sức và tiền bạc của người dân.
    Vệc đốt vàng mã dường như đã trở thành một thói quen cố hữu trong suy nghĩ của mỗi người Việt. Đặc biệt vào dịp lễ Vu Lan hàng năm tuy được coi là một nét văn hóa tâm linh nhưng cũng cần phải có cách nhìn nhận đúng hơn, để hạn chế sự lãng phí không cần thiết. Hiện nay, khi khá nhiều mảnh đời cơ cực, thậm chí phải mưu sinh rất vất vả để kiếm sống, trong nhiều BV, bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, hiểm nghèo không có tiền để mua thuốc, thay vì ném tiền vào lửa một cách phung phí, thì nên thấy rằng “cứu một người phúc đẳng hà sa”, thay vì sắm đồ mã hàng chục triệu đồng thì chỉ nên làm đơn giản, thành tâm để tỏ lòng nhớ thương, biết ơn người đã khuất. Nếu có thể, hãy mang đi cứu giúp những người hàng ngày đang chống chọi để giành giật sự sống. Đó chẳng phải là việc làm thiết thực để tích đức cho bản thân và con cháu hay sao?
    Ai cũng có tổ tiên nguồn cội, việc thể hiện hiếu nghĩa không phải chỉ bằng mỗi việc ném tiền vào lửa, vào những sản phẩm làm bằng giấy không thôi, mà trước tiên phải được bắt nguồn từ sự thành tâm trong mỗi người mới là quan trọng nhất. Trong kinh Phật không dạy đốt vàng mã cho Thánh thần, cho người quá cố, hãy dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”.

    • cảm ơn bài, quan điểm của bạn chưa mới, còn nhiều ý trùng lặp với bài viết, nhưng nhóm mình đánh giá cao tinh thần của bạn. hy vọng lần sau bạn có nhiều đóng góp mới mẻ hơn cho nhóm!
      điểm 7.5

  4. CÁI TÂM LÀ CHÍNH…
    Đốt tiền vàng hay vàng mã là tập tục và cũng là thói quen hàng ngàn năm của dân tộc ta. Nhưng mọi người chỉ mải miết chạy theo số lượng mà không nghĩ đến chất lượng mới là chính.
    Thế giới tâm linh là cái mà con người hướng tới để cầu mong cho những gì họ cần. Nhiều người quá hoang tưởng mà tin vào thế giới tâm linh một cách tuyệt đối, dẫn đến mê tín dị đoan. Từ đó mà tạo nên những ảnh hưởng không hay đến chính bản thân họ và cả gia đình.
    Với những người theo đạo, họ không hẳn là quá mê tín dị đoan nhưng họ tin tuyệt đối vào đạo mà họ theo. Hàng năm, có những lễ cầu siêu mà họ mời thầy về cúng, mong cho qua những diều không may… Mỗi một lần như vậy, họ đã tiêu tốn từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Vậy nếu mỗi năm, họ phải làm mấy lần lễ như vậy thì sẽ ra sao? Những nhà có điều kiện thì không nói làm gì, nhưng những nhà còn khó khăn thì lấy đâu ra tiền để bày ra những lễ cầu phước như vậy?
    Với người dân bình thường, đặc biệt là những người mê tín, quá tôn sùng tâm linh, nếu chỉ tính riêng ngày lễ Vu Lan này thì họ đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu để mua đồ lễ như vàng mã, áo giấy, tiền giấy, nhà giấy… Chưa tính các lễ khác khi họ đi chùa, đi xem bói…
    Nhiều người quan niệm: làm lễ cho người âm phải thật hoành tráng để người âm không bị thiếu thốn… Còn làm lễ cầu may mắn cho gia đình thì lễ càng nhiều sẽ càng nhiều may mắn… Quan niệm đó thật sai lầm. Cúng nhiều hay ít là do điều kiện của mỗi gia đình, nhưng không nên quá lãng phí. Vật chất là một phần nhưng cái mà con người đang hướng đến ở đây là sự an tâm, bình yên… Vậy thì chỉ cần đến lòng chân thành khi cầu khấn là đã đủ để an tâm rồi.
    Nếu con người tin vào tâm linh như vậy thì cũng phải biết được tâm linh chỉ coi trọng lòng thành.

  5. Của nhiều chưa chắc đã thiêng

    Hiện nay, tại các cửa hàng chuyên bán đồ hàng mã, ngày càng có sự đa dạng về sản phẩm, họ quan niệm rằng: “trần sao, âm vậy”. Cho nên, nhiều gia đình có con chết trẻ, họ đốt “iPhôn, iPad, biệt thự, xe hơi, thậm trí còn có cả ô sin…”, để gửi cho người thân ở cõi âm.

    Lối sống mê tín đã in sâu trong tiềm thức của người dân, là đốt càng nhiều vàng, mã thì người “cõi âm” càng nhận được nhiều và phù hộ độ trì cho họ làm ăn cũng khấm khá hơn.

    Theo chị Ngô Thị Bích – người bán vàng, mã trên phố Hàng Mã: Trước đây, người dân chỉ mua một ít tiền, vàng, một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhu cầu đốt vàng mã ngày càng tăng, trung bình mỗi nhà sắm mã cúng rằm khoảng 50.000đ/lễ, khá giả thì 200.000 – 300.000đ/lễ. Còn đối với các “đại gia” thì số tiền dành cho vàng, mã vài ba triệu đồng là bình thường.

    Tuy nhiên, bỏ ra một số tiền triệu như vậy là quá “bèo” so với lời khẩn cầu sặc sụa mùi vật chất. Bởi thế mới nói, sự thành tâm của con người mới đáng quí, nó không thể được “cân đong, đo đếm”, qua sự phơi bầy vật chất của một số người. Điều này, đang làm mất đi sự thiêng liêng trong thế giới tâm linh, vì sự mê tín của họ.
    Huyền Trần

  6. CỐT LÀ Ở CÁI TÂM

    Lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy) là một trong những ngày lễ lớn của nước ta, là ngày để con cháu thể hiện sự hiếu thuận của mình với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhiều người thể hiện lòng hiểu thảo đó bằng cách đốt thật nhiều vàng mã cho người cõi âm, nhưng họ đâu biết rằng điều quan trọng nhất là ở cái tâm của mỗi người.

    Đốt vàng mã từ xưa luôn là điều không thể thiếu đối với mỗi gia đình ở Việt Nam. Hàng năm, lượng vàng mã được đốt với số lượng lớn và tốn rất nhiều tiền bạc. Vàng mã bây giờ không chỉ đơn thuần là tiền mà còn là nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới,…

    Với suy nghĩ “trần sao âm vậy”, mọi người đua nhau mua vàng mã về đốt, mong muốn ông bà tổ tiên nhà mình ở thế giới bên kia có thể nhận được. Vị sư trụ trì chùa Bát Mẫu (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho hay: “Người trần mua vàng mã đốt cho người âm là điều không nên chê trách, nhưng các thí chủ phải nhớ rằng nếu thí chủ đốt nhiều vàng mã đến mấy mà không nhất tâm thì người âm cũng không nhận được đâu”.

    Nhiều gia đình không có tiền nhưng vẫn cố mua thật nhiều đồ mã để dâng lên gia tiên nhà mình, nhiều người giàu có thì bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua xe ô tô, mua nhà cao tầng để đốt cho người cõi âm.

    Người xưa có câu: “Tâm xuất Phật biết”, chỉ cần thành tâm thì trời xanh sẽ thấu hiểu. Vì vậy, việc bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vàng mã đốt cho người âm là điều không thực sự cần thiết bởi cốt lõi là cái tâm của mỗi người đến đâu.

    Nguyễn Diệu Linh

  7. Quan niệm sai lầm về đốt vàng mã
    Đốt nhiều vàng mã trong Lễ vu lan và Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục truyền đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trong giáo lý Phật giáo không có quy định đốt vàng mã. Họ cho rằng, “Âm – dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể cảm ứng được… Người phàm trần chỉ cần ăn chay, niệm Phật để tưởng nhớ”…
    Đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ thời nhà Hán (Trung Quốc). Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng.
    Cũng vì vậy, nhiều người không ngại bỏ tiền triệu mua những “đồ hiệu” để đốt cho người quá cố. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều cơ sở sản xuất hàng mã đã không ngừng cải tiến và sáng tạo các mẫu mã tiền giấy, tiền vàng và các loại đồ mã tinh vi nhằm đáp ứng thị hiếu của nhiều người. Người bán cũng bày vẽ ra nhiều chiêu trò, dùng những lời phù phiếm “đầu độc” người mua để bán được nhiều hàng hơn.
    Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh”.
    Chúng ta vẫn thường nói “Dương thịnh âm siêu”. Người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát. Tôi nghĩ, chúng ta nên lên chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó. Bởi “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”. Còn cầu nguyện, chỉ cần tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích”.
    Cổ tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Thậm chí, nhiều người coi đó là một trong những nét văn hoá của phong tục thờ cúng gia tiên. Nhưng sau khi biết rõ tích của việc đốt vàng mã, người dân liệu có nên gây những lãng phí như các cao tăng nói?

  8. TỤC ĐỐT VÀNG MÃ – NGƯỜI DÂN CÒN THIẾU HIỂU BIẾT

    Thắp hương, cúng đồ lễ, vàng mã là những nghi lễ văn hóa tâm linh đặc trưng của người Việt. Những nghi lễ này là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, sự thanh thản về tinh thần.

    Trước đây, nghi lễ đốt vàng mã chỉ được thực hiện vào ngày rằm, ngày giỗ nhưng hiện nay người ta đốt vàng mã quanh năm, đặc việt là mùa Vu Lan và Tết Nguyên đán.

    Tuy nhiên trên thực tế, không có bất kỳ tôn giáo nào khuyến khích đốt vàng mã và việc coi đốt nhiều vàng mã là thể hiện tình cảm đối với người đã mất. Và với đạo Phật cũng vậy lại càng không có quan niệm này.

    Nguồn gốc của tục đốt vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán, Trung Quốc. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Nên khi nhà vua băng hà, phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục.

    Phật giáo nước không có đưa ra việc đốt vàng mã cúng tế người chết trong kinh Phật. Quan điểm của đạo Phật là bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giá khuyên con người chỉ nên bố thí giúp đỡ người nghèo khổ, cúng dưỡng trai tăng, ăn chay niệm phật và phóng sinh hồi hướng công đức, siêu độ vong linh.

    Đọc kinh Phật, chúng ta nên hiểu con cái phải hiếu nghĩa kính trọng với cha mẹ khi còn sống bằng những việc làm thiết thực. Nhiều người ngộ nhận vào việc đốt vàng mã nhiều là báo hiếu cha mẹ. Đốt vàng mã chỉ là hành động khoe mẽ, gây lãng phí.

    Theo hòa thượng Thích Thanh Từ, viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm: “Nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi, đánh đập. Thế mà đến ngày báo hiếu thì những người con ấy lại đốt vàng mã thật nhiều để báo hiếu cha mẹ. Hành vi ngược đãi cha mẹ, luật pháp cũng không dung tha, Phật cũng không chấp nhận lễ của những đứa con bất hiếu đó. Phật dạy, con cái phải thờ phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Không nên biến ngày Đại lễ Vu Lan trở thành ngày mê tín dị đoan, lãng phí”.

    Tục lệ đốt vàng mã đã có từ rất lâu và bám rễ vào tiềm thức của người Việt nên rất khó từ bỏ một cách nhanh chóng. Nhiều người coi đây là nét văn hóa tuy nhiên nguồn gốc của của phong tục này cần phải xem xét lại.

  9. Tập tục khó bỏ!
    Hàng năm, vào ngày lê Vu Lan( lễ báo hiếu), ngày xá tội vọng nhân, người dân có thói quen đốt vàng mã với tâm niệm cầu cho vong hồn những người đã khuất được siêu thoát. Tâm niệm là thế, họ dùng tới tiền triệu để mua những món đồ bằng giấy để đốt trong chốc lát.
    Người đang sống thì mong muốn sắm đầy đủ vật dụng cho người dưới âm như: quần áo, giày dép, mũ nón …Hay một số gia đình có điều kiện muốn cho người âm được sung túc đầy đủ sắm cả xe máy,ô-tô, điện thoại công nghệ cao …Nắm được tâm lí của người tiêu dùng, người bán ra sức chào hàng những sản phẩm mới, lạ và kèm theo là giá những mặt hàng đó cũng rất lớn. Hơn thế, một năm có một lần được đốt vàng mã cho những người thân đã khuất và cầu siêu cho những vong hồn vất vưởng, vậy nên người dân không ngại ngần gì mà không sắm lễ cho đầy đủ, tươm tất.
    Với quan niệm “trần sao thì âm vậy”, thì cuộc sống của người âm cũng chẳng kém gì người trần về những vật dụng, tiện nghi trong gia đình. Với suy nghĩ tốt đẹp như thế, nhưng họ có nghĩ rằng liệu người âm có nhận được hay không? Và việc làm của họ liệu người âm có biết. Xin khẳng định rằng đây là một hủ tục của người Việt. Hủ tục mà ai cũng nghiêm chỉnh thực hiện.
    Mọi người nên nhận thức được rằng, mình sống như thế nào thì mọi người sẽ thấy, “Tâm thật Phật biết”.

  10. Đốt vàng mã và chữ hiếu

    Tục đốt vàng mã có từ xa xưa. Đốt vàng mã vào dịp lễ Vu lan là cách thể hiện một phần chữ hiếu với những người ở thế giới bên kia.

    Khi mà ông cha ta còn nghèo khó, những đồ vàng mã đốt cho người xưa cũng thật đơn giản. Nó chỉ là những thếp vàng mã nhỏ bé, dễ dốt, không cầu kì, không kiểu cách và tốn rất ít công sức để làm. Việc đốt vàng mã nhiều nhất là trong dịp Rằm tháng bảy âm lịch. Ngoài ra những dịp khác như Tết, lễ cầu siêu…vàng mã cũng đuợc sử dụng rộng rãi. Cuộc sống ngày càng khấm khá, con người đã bớt đi nhiều cái lo toan về vật chất. Do đó tâm lí sắm sanh nhiều đồ vàng mã cầu kì, tốn hàng chục triệu tiền mặt như nhà lầu, xe hơi, máy tính… đốt cho ông bà cha mẹ đã khuất núi gia tăng ở nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Theo họ, đó là cách để thể hiện chữ hiếu khi người thân không còn nữa.

    Chữ hiếu của con cháu với ông bà cha mẹ, nó không phải là giá trị của những món đồ vàng mã mà họ đốt, mà phải thể hiện ở tấm lòng. Cứ coi như là “trần sao âm vậy” đi, thì nếu con cháu có sắm cho ông bà những vật dụng quí giá như biệt thự, xe hơi, máy tính… Thì liệu họ có vui lòng khi con cháu cả năm trời không ra thăm mộ ông bà, không thắp được nén hương ngày Rằm hay tưởng nhớ anh linh ông bà, bố mẹ ? Chữ hiếu ấy có giá trị nhất là khi con cháu biết tôn trọng, quí mến, chăm sóc nâng nui cha mẹ, ông bà khi còn sống. Có nhiều người con khi cha mẹ còn sống thì đối xử tàn nhẫn, không quan tâm, chăm sóc, nâng niu. Vậy mà khi bố mẹ mất lại đầu tư thật nhiều tiền mua hàng mã để đốt, mong được phù hộ độ trì, ăn lên làm ra. Phải chăng chữ hiếu không có mà chỉ cầu danh lợi cho bản thân mình?!

    Một năm nước ta tốn hàng chục ngàn tỉ đồng chi phí cho hàng mã. Không chỉ có lễ Vu lan thì dân ta mới đốt hàng mã mà các dịp như cúng giỗ,cầu siêu, Tết Nguyên đán đều có sự góp mặt của mặt hàng tâm linh này. Dẫu rằng đó là tâm linh, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Ta không thể phê phán nó là sai và cấm đoán. Nhưng xét lại thì việc làm đó là quá lãng phí. Một năm có 400 tỉ đồng để đốt đi, một con số đáng báo động! Số tiền ấy có thể cứu giúp được hàng trăm số phận lay lắt vì bệnh tật, có thể dựng được hàng trăm ngôi nhà cho đồng bào nghèo…và rất nhiều việc khác.
    Một người nghĩ nó chẳng thấm tháp gì, nhưng hàng trăm hàng nghìn cái nho nhỏ ấy lại thành một khoản rất lớn có thể giúp ích cho nhiều người. Chưa kể việc đốt vàng mã còn làm ô nhiễm môi trường từ khói bụi của vàng mã.

    Vậy nên mỗi chúng ta hãy thể hiện chữ hiếu của mình một cách đúng đắn và xin hãy tiết kiệm hết những gì có thể.

  11. Nếu muốn siêu thoát, đừng đốt vàng mã
    Khi bạn còn muốn người thân của mình nhận được đồ mã thì đồng nghĩa với việc khiến cho họ mãi ở cõi âm
    Đốt vàng mã đã gần như trở thành một tục lệ không thể thiếu của người Việt nói riêng, cũng như một số nước châu Á theo đạo Phật nói chung. Với quan niệm rằng “trần sao âm vậy”, các con cháu ở chốn trần gian cứ đến ngày lễ Tết hay ngày giỗ tổ tiên là đều mua vàng mã về đốt. Dù ít dù nhiều cũng mong người đã khuất sẽ nhận được và biết đến tấm lòng thành của người thân còn đương sống.
    Tuy nhiên, nếu từng tìm hiểu về Phật giáo hay đơn giản là đến những ngôi chùa uy tín, chính đạo thì chúng ta có thể thấy rằng ở trong đạo Phật vốn không có tục đốt vàng mã. Nếu không tin, bạn có thể đến hỏi trực tiếp các sư thầy, những người tu hành thực sự hiểu biết về đạo, chắc chắn họ sẽ cho bạn câu trả lời rằng không hề có lệ này.
    Bởi thứ nhất, dù có đốt vàng mã thật nhiều những đồ quý giá tượng trưng như ô tô, xe máy, điện thoại… thì người âm nếu có nhận được cũng chẳng sử dụng làm gì. Trong đạo Phật có quan niệm rằng nếu ở đời sống tu tâm tích đức thì khi lìa đời sẽ trở về bên Phật tổ, được hóa kiếp làm người hoặc được trở thành Phật, có đủ tài phép và sống viên mãn, không thiếu thốn thứ gì.
    Vậy, hiển nhiên nếu may mắn trở thành Phật, người thân của bạn đâu cần đến những thứ hàng mã giả tạm đó. Còn nếu được hóa kiếp đầu thai làm người thì họ cũng đâu còn nhận được.
    Thứ hai, trong đạo Phật vốn rất hay đề cập đến những thứ gọi là “giả”, như hàng giả, hàng nhái, những thứ “giả tạm”. Chính vì vậy, người nhà Phật thường rất hạn chế dùng những thứ làm giả như hoa giả, sách kinh giả và đồ mã cũng là đồ giả.
    Nếu bạn đốt một chiếc xích lô cho người chồng đã từng làm nghề đạp xích lô của mình, thì phải chăng là bạn mong muốn ở cõi âm, ông ý cũng vẫn mãi phải gắn nghiệp với nó?
    Thay vì vậy, nếu muốn người thân của mình được hóa kiếp, đầu thai làm người thì hãy dành tiền làm từ thiện, công đức thay vì phung phí vào những thứ vô giá trị, vô thần, vô thánh.

  12. Đốt vàng mã gây lãng phí!
    Thờ cúng tổ tiên là truyền thống văn hóa của người châu Á, tuy nhiên trong những dịp lễ, Tết, không ít gia đình tiêu tốn quá nhiều cho việc đốt vàng mã cho người đã mất thì lại là chuyện lãng phí và ô nhiễm môi trường.
    Lãng phí tiền của
    Từ lâu, người dân châu Á có thói quen đốt vàng mã vào các ngày rằm, mùng 1 và các ngày cúng lễ, Tết trong năm. Với quan niệm “dương sao âm vậy”, thương xót người thân ở thế giới bên kia thiếu thốn nên nhiều người tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc mua và đốt vàng mã.

    Phú quý sinh lễ nghĩa. Cùng với sự phát triển của đời sống, tín ngưỡng, lễ nghĩa càng có điều kiện phát triển hơn và việc đốt vàng mã ngày càng muôn vẻ.

    Trên thị trường, các loại sản phẩm hàng mã cũng rất phong phú, đa dạng như tiền ta, tiền đô la, vàng lá, quần áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thậm chí cả các hình nộm ôsin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu. Điều đáng nói ở đây là các đồ vàng mã này không hề rẻ một chút nào.

    Những món cầu kỳ như: nhà lầu, ô tô… giá lên tới mấy trăm ngàn đồng. Nhiều hộ dân cứ mỗi tháng đốt vàng mã hai lần, vào ngày mùng 1 và ngày rằm. Nhiều người cho rằng nếu thường xuyên cúng vái và gửi nhiều tiền bạc xuống cho ông bà thì họ sẽ phù hộ cho mình làm ăn suôn sẻ hơn!?

    Đó còn chưa kể những lễ chính như rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán, nhiều người lại thi nhau mua đồ mã. Đó còn chưa tính đến các đền, miếu, phủ, chùa chiền, những nơi người tứ phương đến cúng lễ, họ đốt vàng mã như đốt… rơm!

    Tự do tín ngưỡng là tùy ở từng người. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã quá nhiều trong các dịp cúng lễ, Tết, thăm viếng chùa chiền vào dịp đầu năm đang gây lãng phí, tốn kém và làm ô nhiễm môi trường.
    Tiền mua vàng mã nên để phóng sinh…
    Việc đốt vàng mã bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và được coi là một nét văn hóa tâm linh của nước ta. Nhưng thiết nghĩ mọi người cần có cái nhìn đúng hơn về bản chất của nét văn hóa này mà hạn chế sự lãng phí không cần thiết. “Nhà Phật chỉ hướng dẫn, giải thích để Phật tử giác ngộ bản chất đốt vãng mã mà hạn chế dần, giảm thiểu thiệt hại về môi trường lẫn kinh tế. Chứ không khuyến khích người dân đốt nhiều vàng mã.
    Người dân thay vì bỏ tiền thật ra mua đốt giấy tiền vàng mã thì nên làm những việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như phóng sinh, làm từ thiện. Được như vậy, công đức sẽ vô lượng, phước duyên sẽ nhiều hơn.
    Trước đây, người ta chỉ đốt vàng mã vào ngày rằm, ngày giỗ. Bây giờ, người ta đốt hầu như quanh năm, đặc biệt là mùa Vu Lan và Tết Nguyên đán. Rất nhiều người không chỉ đốt vàng mã ở tư gia mà còn đốt cả ở những nơi thờ tự linh thiêng như đền, chùa, miếu, phủ.
    Kinh Phật dạy con cái phải hiếu nghĩa và kính trọng với cha mẹ khi còn sống bằng những việc làm thiết thực. Nhưng nhiều người đã ngộ nhận và đặt nhầm niềm tin vào việc đốt thật nhiều vàng mã là đã báo hiếu cha mẹ. Việc làm này chỉ là sự khoe mẽ và gây ra nhiều lãng phí về tiền bạc mà thôi.
    Người con Phật cần phải nhận thấy rõ việc đốt vàng mã chỉ là tín ngưỡng dân gian. Từ đó, có thái độ rõ ràng và đúng đắn đối với việc làm không chánh pháp này. Có như vậy mới tránh được việc lãng phí tiền bạc và ô nhiễm môi trường.

  13. Qúa lãng phí, không cần thiết!

    Cứ đến ngày lễ Vu Lan, rằm tháng giêng, mọi nhà đều mua vàng mã về đốt. Nó đã gây nên thiệt hại lớn cho của cải và môi trường của đất nước mà không đem lại hiệu quả.
    Tục đốt vàng mã đã có từ ngày xưa và đến giờ vẫn tiếp tục mà còn hơn thế nữa. Nó đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Nhiều người cho tục lệ đó là một trong những nét đẹp văn hóa của phong tục thờ cúng tổ tiên. Trong bất kì dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày hóa vàng, ngày giỗ tổ tiên ông bà hay dọn nhà, giải hạn, lập bàn thờ, bốc bát hương… đều phải có ít nhất vài bó vàng tiền để đốt như là sự gửi gắm và chăm lo cho những người đã khuât có một cuộc song sung túc ở cõi âm, hoặc mong được thứ lỗi, hay có được sự thanh thản trong tâm hồn.
    Quan niệm này thực sự sai lầm và gây ra sự hoang phí, không cần thiết.
    Thay vì chúng ta bỏ một khoản tiền ra để mua vàng mã đốt, thì chúng ta nên dùng số tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bệnh tật, lang thang cơ nhỡ, giúp cho đời bớt khổ đau. Việc làm như vậy ý nghĩa hơn nhiều so với việc đốt vàng mã.
    Không những thế, đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường. Có trường hợp, đốt vàng mã xong còn đốt cả nhà, cả rừng.
    Như vậy, tục đốt vàng mã là không cần thiết và cần được loại bỏ trong tư duy của mỗi con người.

    Mến

  14. Văn hóa đốt vàng mã
    Hiện trạng người dân đang tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho việc đốt vàng mã đang xảy ra ngày một nghiêm trọng. Nhưng dù biết là lãng phí, vô bổ những mỗi người Việt vẫn luôn tin vào thế giới tâm linh.

    Tâm linh người Việt
    Tục đốt vàng mã đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu, nó trở thành truyền thống của người Việt vào những ngày giỗ, đặc biệt vào dịp lễ Vu Lan. Hầu hết mọi nhà đều đốt vàng mã vào những ngày giỗ, ngày tết với tâm nguyện các cụ sẽ “phù hộ, độ trì” cho vợ chồng con cái khỏe mạnh, tài lộc. Dù là biết việc đốt vàng mã là lãng phí, không thực tế những hiện trạng nhiều gia đình mất hàng chục triệu đồng cho việc này vẫn diễn ra phổ biến, bởi đã là truyền thống, là phong tục thì khó có thể bỏ được. Văn hóa đốt vàng mã đã gắn liền với thế giới tâm linh và cuộc sống của người Việt từ hàng ngàn năm nay, người ta luôn quan niệm đó là cái tâm, cái đức để đáp ơn người đã khuất.

    Đốt vàng mã – mua lấy cái tâm
    Dù biết hàng năm vào mỗi dịp tết Vu Lan người Việt đã lãng phí rất nhiều tiền của vào việc đốt vàng mã, nhưng hiện trạng này vẫn diễn ra thường xuyên năm này qua năm khác. Lối sống thực dụng khiến mọi người có những suy nghĩ quá ảo tưởng và mơ hồ. Đặc biệt, những người làm ăn, buôn bán lớn thường là những người mê tín, dị đoan, họ lấy vệc đốt vàng mã càng nhiều càng tốt, đi cầu cúng khắp các đền nọ chùa kia với mong muốn vơ của về nhà.
    Biết ràng hàng năm người Việt tốn rất nhiều tiền vào những việc vô bổ như thế này nhưng Nhà nước vẫn phải bó tay bơi ngay chính họ cũng là những người đang sống với cái tâm linh ảo đó. Muốn từ bỏ hiện trạng đốt vàng mã, thì ngay chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần có những nhận thức đúng đắn về thế giới thực chúng ta đang sống.

  15. “Tiền thật mua đồ giả”- Quá lãng phí
    Chẳng biết đấng thần thánh và những người ruột thịt cõi âm – nếu có – không biết có đau lòng khi thấy người trần thế đã vật chất hoá sự linh thiêng?
    Đốt vàng mã từ lâu đã là thói quen của người Việt. Trong bất cứ dịp lễ tết nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày hoá vàng, ngày giỗ tổ tiên ông bà hay chuyển nhà, giải hạn, lập bàn thờ, bốc bát hương… đều phải có ít nhất là phải có vài bó vàng tiền để đốt như là một sự gửi gắm và chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc không kém ai ở thế giới bên kia; hoặc mong được xá tội hoặc tìm sự thanh thản trong tâm hồn. Với suy nghĩ, càng mua nhiều đồ hàng mã càng tốt, đồ càng đắt tiền càng có nhiều lộc và càng được bình an, người ta không ngần ngại lấy tiền thật đổi lấy những đám giấy xanh đỏ và đốt… thật lực.
    Giá các mặt hàng cao, nhưng chuyện mặc cả cũng không hề xảy ra vì suy nghĩ “mua cho ông bà nhà mình mà còn tiếc rẻ, mặc cả thì còn gì là tín tâm của con cháu nữa”, lợi dụng điểm này của khách hàng, các chủ hàng mặc sức ra giá các mặt hàng. Càng đôc, càng giống thật giá càng cao.
    nhiều gia đình luôn quan niệm “trần sao âm vậy” nên không ngần ngại bỏ một khoản tiền không nhỏ sắm sửa vàng mã biếu tổ tiên. Những mặt hàng này cuối cùng cũng chỉ để đốt và không biết cõi âm, những người thân của họ có nhận được đồ dùng cho cả một năm hay không.
    Thay vì tốn tiền triệu vào việc đốt vàng mã, mọi hãy đốt một số lượng vừa phải tỏ tấm lòng hiếu thảo, tưởng nhớ tới tổ tiên. Và để tiết kiệm số tiền đấy vào những việc có ích hơn và thực tế hơn.

  16. Phú quý sinh lễ nghĩa

    Việc thể hiện lòng thành kính đối với các vị tổ tiên mong được phù hộ, có nhiều may mắn tới gia đình là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên cần có sự nhận thức đúng đắn trong vấn đề này.

    Có về những vùng nông thôn mới thấy sự việc đốt vàng mã ở thành phố quá mức xa xỉ. Ví dụ Rằm tháng bảy (còn gọi là lễ Vu Lan) là ngày con cái thể hiện lòng hiếu thuận đối với tổ tiên. Ở quê tôi, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, ngoài mâm lễ cúng ra mỗi người đã khuất (thường tính đến bậc cụ, kị) sẽ được đốt một bộ quần áo, một đôi dép hay giày, mũ hoặc nón, thêm khoảng vài chục tập tiền, vàng, khá đơn giản. Ra đến thành phố Tuyên Quang thì đã thấy sự khác biệt, thường những gia đình có điều kiện, đặc biệt là nhà buôn bán càng chú trọng ngày lễ này. Họ đốt thêm ô tô, nhà lầu, vật dụng gia đình… và thường do có người âm báo mộng hoặc hỏi ý kiến thầy cúng.

    Khi xuống Hà Nội, tôi cũng từng giúp dì tôi đốt vàng mã trong ngày này. Mấy cân tiền, vàng, đô – la âm phủ, trang phục giấy các loại, rồi đồ dùng trong nhà, (nhà, xe đã đốt ở ngày lễ trước), có cả Iphone, Ipad. Ba người hì hục đốt cả tiếng đồng hồ mới hết. Tôi có thắc mắc vì sao phải đốt nhiều thế, dì nói vì gia đình làm ăn, lễ càng nhiều thì ông bà mới cho lộc nhiều, với lại thời đại công nghệ thông tin, các cụ cũng phải có cái này cái kia mới…bằng bạn bằng bè. Bây giờ hàng mã cũng nhiều đồ hiện đại lắm.

    Ai cũng muốn tổ tiên mình được sống thoải mái, hưởng thụ cả những tiện nghi hiện đại mà hồi còn sống các cụ chưa kịp hưởng, công thêm tâm lý ham thích cái lạ, rồi thấy nhà người ta làm mình cũng làm theo, không có bất kì giới hạn nào cho “tấm lòng thành” cả. Người ta đua nhau càng nhiều, càng độc, càng sang, càng tốn kém…càng tốt. Đúng là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Và phú quý, lễ nghĩa quá nên lại làm mất đi phần nào cái giá trị linh thiêng của lễ cúng tổ tiên.

  17. BÀI TỔNG KẾT TUẦN 3 – MỤC KINH TẾ
    Đốt vàng mã là một vấn đề tuy không còn mới nhưng vẫn gây ra nhiều nhức nhối. Bởi lẽ điều này động chạm đến vấn đề tâm linh và đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam từ hàng nhiều năm nay. Ai cũng biết đốt vàng mã là tốn kém, rằng là đem tiền thật đổi lấy tiền giả, nhưng họ vẫn làm, thậm chí hàng năm, có những đại gia tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng trong việc đốt vàng mã. Họ cho rằng, khi họ có lòng thành thì sẽ được người âm chứng giám và có thể giúp họ đạt được những điều mà họ muốn. Bản thân họ tin rằng họ càng đốt nhiều thì những lời cầu khấn của họ lại càng linh nghiệm. Nhưng sự thật liệu có là như vậy? Liệu người âm có thật sự nhận được những đô la, iphone, nhà lầu, xe hơi… bằng giấy mà người trần gửi xuống cho họ hay không? Trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành chính sách cấm đốt quá nhiều vàng mã. Vậy mà dạo qua thị trường bán chủng loại này, mỗi năm chúng ta lại thấy mẫu mã thêm đa dạng hơn. Có những người thậm chí còn mua cả cố thư kí bằng giấy cho chồng ở dưới suối vàng, giống như đang ở trên dương thế vậy? Theo Bộ Văn Hoá Thông Tin, khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Những con số trên cho thấy một sự hoang phí đối với hành động này. Điều này có thật sự cần thiết hay không?
    Bài viết đưa ra những đánh giá khách quan nhất về việc mua vàng mã cầu siêu của nhiều người dân Việt Nam hiện nay. Nhiều nhà thậm chí không khá giả những vẫn cố “đua đòi” cho bằng nhà người ta, cũng phải sắm đến hàng trăm thậm chí hàng triệu đồng cho một lần lễ. Đây không còn là lòng thành kính nữa mà nó đã trở nên thành một điều gì đó quá xa xỉ và không cần thiết. Trong khi đó, ở đất nước chúng ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh, cần sự tương thân, tương ái cũng như trợ giúp của chúng ta. Hàng năm, nước ta chi khoảng 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Thử hỏi, nếu số tiền đó mà được dùng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hay trẻ em lang cơ nhỡ thì có lẽ trong vài năm sắp tới Việt Nam sẽ giảm hẳn hộ nghèo hoặc có thể không còn hộ nghèo nữa.
    Sau khi được đăng tải trên diễn đàn, bài viết đã nhận được 1 bình luận của độc giả. Các bình luận đều cho thấy các bạn đã thực sự tìm hiểu về vấn đề đặt ra và chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ của mình góp phần hoàn thiện bài.
    Đa phần các bạn đều đưa ra nhận đinh: Việc đốt vàng mã là quá tốn kém và không thật sự cần thiết, nên giảm thiểu điều này một cách tối đa nhất. Như vậy không chỉ tiết kiệm cho ngân sách của quốc gia mà còn giảm thiểu được việc ô nhiểm môi trường.
    Theo bạn Trần Thị Hải: “Tự do tín ngưỡng là tùy ở từng người. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã quá nhiều trong các dịp cúng lễ, Tết, thăm viếng chùa chiền vào dịp đầu năm đang gây lãng phí, tốn kém và làm ô nhiễm môi trường.
    Tiền mua vàng mã nên để phóng sinh…
    Việc đốt vàng mã bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và được coi là một nét văn hóa tâm linh của nước ta. Nhưng thiết nghĩ mọi người cần có cái nhìn đúng hơn về bản chất của nét văn hóa này mà hạn chế sự lãng phí không cần thiết. “Nhà Phật chỉ hướng dẫn, giải thích để Phật tử giác ngộ bản chất đốt vãng mã mà hạn chế dần, giảm thiểu thiệt hại về môi trường lẫn kinh tế. Chứ không khuyến khích người dân đốt nhiều vàng mã.
    Người dân thay vì bỏ tiền thật ra mua đốt giấy tiền vàng mã thì nên làm những việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như phóng sinh, làm từ thiện. Được như vậy, công đức sẽ vô lượng, phước duyên sẽ nhiều hơn.”
    Bạn Anh Ngọc cũng cùng quan điểm: “Đốt vàng mã – mua lấy cái tâm
    Dù biết hàng năm vào mỗi dịp tết Vu Lan người Việt đã lãng phí rất nhiều tiền của vào việc đốt vàng mã, nhưng hiện trạng này vẫn diễn ra thường xuyên năm này qua năm khác. Lối sống thực dụng khiến mọi người có những suy nghĩ quá ảo tưởng và mơ hồ. Đặc biệt, những người làm ăn, buôn bán lớn thường là những người mê tín, dị đoan, họ lấy vệc đốt vàng mã càng nhiều càng tốt, đi cầu cúng khắp các đền nọ chùa kia với mong muốn vơ của về nhà.
    Biết ràng hàng năm người Việt tốn rất nhiều tiền vào những việc vô bổ như thế này nhưng Nhà nước vẫn phải bó tay bơi ngay chính họ cũng là những người đang sống với cái tâm linh ảo đó. Muốn từ bỏ hiện trạng đốt vàng mã, thì ngay chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần có những nhận thức đúng đắn về thế giới thực chúng ta đang sống.”
    Tóm lại đây là một vấn đề đang được đem ra mổ xẻ rất nhiều, đặc biệt trong mùa Vu Lan năm nay. Hy vọng Nhà nước có những chính sách hợp lí để thắt chặt vấn đề này cũng như củng cổ lòng dân.
    Nhóm 1 xin chân thành cảm ơn những comment đóng góp của các bạn. Hy vọng những bài viết sau của nhóm mình sẽ nhận đượcsự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người.
    Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.
    Chào thân ái và quyết thắng!

  18. Pingback: Bài tổng kết tuần 3 | Lớp Báo mạng điện tử K.30

Bình luận về bài viết này